Vào ngày 8/11/2023, tại Hội trường A.1002, khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học cấp trường “Chứng cứ và chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự”.
Trải qua hơn 5 năm thi hành, quy định về chứng cứ, chứng minh trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã thể hiện được những giá trị nhất định, góp phần vào sự thành công trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, các quy định về chứng cứ, chứng minh cũng dần bộc lộ những điểm hạn chế trong quá trình áp dụng. Trên cơ sở đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự, từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam.
Hội thảo đón nhận sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đông đảo đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hình sự, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và nhiều chuyên gia đang giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo pháp luật cũng như học viên, sinh viên Nhà trường.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Về phía đại diện trường Đại học Luật TP.HCM có TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự; PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, TS. Phạm Thái - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự.
Về phía các nhà khoa học và các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục có sự tham dự của PGS.TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao; PGS.TS. Trần Ngọc Đức - Trưởng Khoa Pháp luật Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; ThS. Võ Văn Tài - Phó Trưởng khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM; TS. Lê Ngọc Quản - Phó trưởng bộ môn Pháp luật Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân.
Về phía đại biểu đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng có TS. Quảng Đức Tuyên - Nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp cao tại TP.HCM; ThS. Cao Văn Tám - Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại TP.HCM; TS. Phùng Văn Hải - Phó Chánh án Toà án nhân dân TP.HCM; ThS. La Hồng - Nguyên Chánh án Toà án nhân dân tỉnh An Giang; Ông Vũ Phi Long - Nguyên Phó Chánh Toà hình sự Toà án nhân dân TP.HCM; Bà Phạm Thị Thanh Giang - Chánh Toà hình sự Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh; TS. Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM; ThS. Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu; ThS. Nguyễn Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận và các đại biểu đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng ở các quận, huyện và tỉnh.
Về phía các đại diện luật sư có ThS.LS. Nguyễn Tâm Hoàng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên; TS.LS. Nguyễn Thanh Long - Văn phòng Luật sư Long Cường và ThS.LS. Nguyễn Thành Công - Giám đốc điều hành Công ty Đông Phương Luật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 là một thành tố quan trọng trong khung pháp lý tư pháp hình sự của Việt Nam. Trong đó, chế định chứng cứ, chứng minh góp phần đảm bảo sự khách quan, chính xác và không bỏ lọt tội phạm ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng. Qua việc thi hành trên thực tiễn, những quy định này cũng dần bộc lộ nhiều điểm hạn chế, thiếu thống nhất dẫn đến đặt ra nhu cầu cấp bách về việc cải cách, hoàn thiện quy định tố tụng hình sự nói chung và quy định về chứng cứ, chứng minh nói riêng. Lãnh đạo Nhà trường hi vọng buổi hội thảo là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ, trao đổi và tiếp thu kiến thức, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự.
TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo
Buổi hội thảo được chia làm 02 phiên với 6 bài tham luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến chứng cứ, chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời, các chuyên gia tiến hành thảo luận sôi nổi sau mỗi phiên trình bày nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn và nghiên cứu, áp dụng trong nghiên cứu, giải quyết vụ án.
Phiên làm việc đầu tiên về “Chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự” được tiến hành dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà Trường; PGS.TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát.
Chủ toạ chủ trì phiên thứ nhất “Chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự” (từ trái sang): PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Đến với bài tham luận đầu tiên “Xác định xu hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự” của PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường, một số vấn đề lý luận chung, xu hướng phát triển dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, xu hướng phát triển cụ thể về quy định chứng cứ, chứng minh được trình bày và phân tích chi tiết.
PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy trình bày tham luận “Xác định xu hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự”
Tiếp theo đó, TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh - Giảng viên Khoa Luật Hình sự Nhà trường đã trình bày tham luận “Xu hướng về nguyên tắc loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam”. Theo tác giả, việc quy định về loại trừ chứng cứ hay khả năng chấp nhận chứng cứ được thu thập bất hợp pháp gây nhiều khó khăn cho công tác xét xử tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đã tham khảo pháp luật châu Âu và Hoa Kỳ về các lý thuyết, nguyên tắc loại trừ chứng cứ như học thuyết “Quả của cây độc”,...
Bài tham luận “Xu hướng về nguyên tắc loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam” của TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh - Giảng viên Khoa Luật Hình sự Nhà trường
Bài tham luận thứ ba về chủ đề “Thu thập chứng cứ của Toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của nhóm tác TS. Võ Thị Kim Oanh và ThS. Đinh Văn Đoàn - Giảng viên Khoa Luật Hình sự Nhà trường đã xác định những bất cập trong quy định của pháp luật về quy trình thu thập chứng cứ của Toà án như phạm vi hoạt động thu thập chứng cứ chưa phù hợp với chức năng của Toà án cũng như các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS năm 2015.
Bài tham luận “Thu thập chứng cứ của Toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” do ThS. Đinh Văn Đoàn - Giảng viên Khoa Luật Hình sự Nhà trường trình bày
Phiên làm việc thứ hai về “Chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự” được chủ trì bởi các đồng chủ toạ: PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường; PGS.TS. Trần Ngọc Đức - Trưởng Khoa Pháp luật Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; TS. Phùng Văn Hải - Phó Chánh án Toàn án nhân dân TP.HCM.
Phiên làm việc thứ hai về “Chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự” được chủ trì bởi các đồng chủ toạ (từ trái sang): TS. Phùng Văn Hải - Phó Chánh án Toàn án nhân dân TP.HCM; PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường; PGS.TS. Trần Ngọc Đức - Trưởng Khoa Pháp luật Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Ở bài tham luận thứ tư về “Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát trình bày, tác giả cho biết chứng cứ điện tử với nhiều hình thức khai thác khác nhau được sử dụng để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, pháp luật cần có sự nhận thức thống nhất về vấn đề này, đồng thời xây dựng hệ thống các chế định, đề ra biện pháp nhằm áp dụng hiệu quả chứng cứ điện tử.
Bài tham luận về “Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát trình bày
Trong bài tham luận thứ năm của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường với chủ đề “Bàn về tiền mã hoá và vấn đề phải chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự”, tác giả đã phân tích phán quyết của Toà án Nhân dân TP.HCM trong bản án hình sự sơ thẩm vào ngày 16/5/2023 về tội cướp tài sản, trong đó đối tượng tác động có tiền mã hoá Bitcoin. Theo tác giả, một số ưu điểm của tiền mã hoá cũng là những khó khăn dưới góc độ xử lý các hành vi bất hợp pháp liên quan. Tham khảo quy định của Liên minh Châu Âu về thị trường tài sản mã hóa, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa đưa ra kiến nghị phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội liên quan.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự trình bày tham luận “Bàn về tiền mã hoá và vấn đề phải chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự”
Bài tham luận cuối cùng của Hội thảo bàn luận về chủ đề “Một số vấn đề về chứng minh đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người” do TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự Nhà trường trình bày. Tác giả đã chỉ ra đặc điểm chứng minh các nhóm tội phạm nêu trên và các khó khăn trong việc thủ tục chứng minh như xác định việc tội phạm xảy ra, chủ thể thực hiện, thái độ tâm lý,...Qua đó, tác giả đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Tham luận “Một số vấn đề về chứng minh đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người” do TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự Nhà trường trình bày
TS. Trịnh Duy Thuyên - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đặt câu hỏi về tính hợp pháp của chứng cứ, trình tự thủ tục thu thập chứng cứ của người bào chữa và ngưỡng chứng minh
Ông Vũ Phi Long - Nguyên Phó Chánh Toà hình sự Toà án nhân dân TP.HCM chia sẻ về những bất cập, hạn chế từ kinh nghiệm xét xử trên thực tiễn
ThS. Vũ Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM chia sẻ về kinh nghiệm xét xử trên thực tiễn
ThS.LS. Nguyễn Thành Công - Giám đốc điều hành Công ty Đông Phương Luật nêu quan điểm về hoạt động chứng minh dưới góc độ của người bào chữa
Bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường cho biết những ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo đã làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về chứng cứ, chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự. Từ đó, những thông tin, trao đổi tại hội thảo là nền tảng để các chuyên gia tiếp tục đề nghị, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cân nhắc áp dụng trong thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự.