Khoa Luật Hình sự tổ chức Hội thảo cấp Khoa với chủ đề "Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy"

Vào sáng ngày 14/11/2024, nhằm mục đích gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên thực tiễn, Khoa Luật Hình sự đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy” tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Về phía khách mời, Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Đại tá Nguyễn Thanh Dương – Trưởng khoa CSĐT Tội phạm về ma tuý, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Ông Lê Thuần Phong – Chánh án TAND quận 7, TP.HCM; Thẩm phán Trần Thị Ngọc Phương, TAND quận 7, TP.HCM; Thượng tá Lê Đức Tuý – Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP.HCM; Ông Châu Hoàng Sơn - Kiểm sát viên trung cấp VKSND TP.HCM; ThS. LS. Nguyễn Đức Thắng Ý – Giám đốc Công ty Luật Ylaw & Partners.
Về phía Nhà trường, có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng Khoa Luật Hình sự; PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy – Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Thư ký Hội đồng Khoa học và Đào tạo; TS. Phạm Thái – Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự; TS.GVC. Nguyễn Thị Ánh Hồng – Trưởng Bộ môn Luật Hình sự; TS.GVC. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh – Trưởng Bộ môn Tội phạm học cùng với giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng khoa Luật Hình sự cho biết thực trạng các tội phạm về ma túy tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, không những gia tăng về số vụ phạm tội, số người phạm tội mà nhóm tội phạm này đang được thực hiện với thủ đoạn tinh vi, số lượng ma túy liên quan đến hành vi phạm tội ngày càng lớn. Điều này chứng tỏ các chính sách, biện pháp, công cụ phòng ngừa, xử lý tội phạm về ma túy của nước ta chưa thực sự có hiệu quả. Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chính sách hình sự và một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 vẫn còn những hạn chế nhất định khi so sánh với pháp luật quốc tế cũng như được phản ánh qua quá trình áp dụng thực tiễn. Chính vì vậy, việc tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, phân tích, bình luận chuyên sâu các tội phạm về ma túy cũng như xây dựng các biện pháp, công cụ phòng ngừa khả thi, có hiệu quả hơn là một hoạt động rất cấp thiết và mang nhiều ý nghĩa.

Hội thảo đã nhận được 15 tham luận của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài trường. Do tính chất quan trọng và bao quát của chủ đề, Hội thảo hôm nay được chia thành hai phiên, với 06 tham luận được trình bày.

Phiên thứ nhất với chủ đề “Phòng ngừa các tội phạm về ma túy” bao gồm các tham luận sau:
(i) “Tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam và một số định hướng phòng ngừa” - TS. Nguyên Thanh, ThS. Lê Thị Anh Nga;
(ii) “Nhân thân người phạm tội trong các tội phạm về ma túy” - ThS. Lê Thị Hồng Diễm, ThS. Trần Tuấn Vũ;
(iii) “Phòng ngừa các tội phạm về ma túy tiếp cận từ việc giảm cầu, giảm tác hại của ma túy trong cộng đồng” - TS. Phạm Thái, ThS. Kim Nguyễn Hồng Minh.

Trong tham luận đầu tiên với chủ đề “Tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam và một số định hướng phòng ngừa”, ThS. Lê Thị Anh Nga, đại diện nhóm tác giả, đã sử dụng các phương pháp thống kê, phân tích và tổng hợp thông tin, tài liệu để làm rõ thực trạng tội phạm ma túy trên toàn quốc. Dựa trên tình hình thực tế và các xu hướng đã được dự báo của tội phạm ma túy, nhóm tác giả đã đề xuất một số định hướng phòng ngừa như cần xây dựng chính sách cai nghiện hiệu quả và triển khai các biện pháp phòng ngừa tập trung vào các nhóm đối tượng mà tội phạm ma túy thường nhắm tới.

Tiếp nối buổi làm việc, ThS. Lê Thị Hồng Diễm đại diện nhóm tác giả đã trình bày tham luận “Nhân thân người phạm tội trong các tội phạm về ma túy”. Bài tham luận nhấn mạnh việc nghiên cứu nhân thân của người phạm tội ma túy trong giai đoạn hiện nay không chỉ góp phần xác định nguyên nhân và điều kiện của tội phạm mà còn hỗ trợ xây dựng các chiến lược phòng ngừa và xử lý tội phạm hiệu quả. Tuy nhiên, nhóm tác giả lưu ý rằng nghiên cứu về nhân thân người phạm tội cần tiếp tục phát triển và đi sâu hơn để có cái nhìn toàn diện nhất; đồng thời, cần kết hợp giữa các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại nhằm đưa ra những kết luận chính xác và có giá trị thực tiễn cao.

Đến với tham luận cuối cùng “Phòng ngừa các tội phạm về ma túy tiếp cận từ việc giảm cầu, giảm tác hại của ma túy trong cộng đồng”, TS. Phạm Thái, đại diện nhóm tác giả, nhấn mạnh rằng ngoài việc tăng cường điều tra và triệt phá các đường dây tội phạm ma túy, việc giảm nhu cầu sử dụng ma túy cũng là một biện pháp quan trọng cần ưu tiên hàng đầu. Nhóm tác giả phân tích dựa trên các số liệu thực tế và rút ra kết luận về mối quan hệ chặt chẽ giữa cung - cầu ma túy và nhu cầu "giảm cầu" ma túy. Đồng thời, nhóm đưa ra một số biện pháp giảm cầu, hướng đến mục tiêu giảm số lượng tội phạm liên quan đến các chất cấm này.

Các tham luận tại phiên thứ nhất của Hội thảo tập trung vào những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay và nhận được nhiều sự đóng góp cùng nhiều câu hỏi thú vị từ phía các giảng viên, chuyên gia. Những vấn đề chủ yếu xoay quanh nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tội phạm, thực trạng giải quyết các vụ án về ma túy, giải pháp phòng ngừa loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này,...

Phiên thứ hai với chủ đề “Xử lý các tội phạm về ma túy” bao gồm các tham luận sau:
(i) “Chính sách hình sự đối với các tội phạm về ma túy trong pháp luật một số nước: Gợi mở cho Việt Nam” - TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng;
(ii) “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): Kiến nghị hoàn thiện” - TS. Nguyễn Thị Minh Trâm;
(iii) “Giải quyết nguồn tin về tội phạm ma túy theo luật tố tụng hình sự Việt Nam” - ThS. Đinh Văn Đoàn, ThS. Phạm Tuyết Mai.

Ở phiên thứ hai, Hội thảo tập trung phân tích những điểm còn hạn chế trong chính sách hình sự, quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và các văn bản liên quan; chính sách, pháp luật hình sự của nước ngoài về xử lý các tội phạm ma túy. Trên cơ sở đó, các tham luận đã đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhìn chung, đa số ý kiến cho rằng cần xây dựng chính sách hình sự theo hướng nhân đạo hơn đối với các tội phạm về ma túy, đẩy mạnh phân hóa trách nhiệm hình sự, và chú trọng vào giáo dục, cải tạo, hỗ trợ phục hồi cho người phạm tội thay vì tập trung vào trừng phạt.

Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy” đã khép lại với những đóng góp, giải pháp mang tính xây dựng và thiết thực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn tại Việt Nam.

Các cơ quan báo chí đưa tin về Hội thảo khoa học "Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy":