Giới thiệu chung về Khoa Hình sự

Giới thiệu Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Khoa Luật Hình sự được thành lập vào tháng 7 năm 1996 – tiền thân là Khoa Tư pháp. Hiện nay, Khoa Luật Hình sự có 3 bộ môn: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Tội phạm học. Tính đến tháng 9 năm 2023 Khoa Luật Hình sự có 33 giảng viên và 01 trợ lý khoa; trong đó có 02 Phó giáo sư, 11 Tiến sĩ, 04 Nghiên cứu sinh, 16 Thạc sĩ.

 

Khoa quản lý chuyên môn và chịu trách nhiệm giảng dạy các học phần bắt buộc và học phần tự chọn trong chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học (bao gồm đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự).

Khoa Luật Hình sự là một trong những đơn vị đào tạo hàng đầu về tư pháp hình sự và tội phạm học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ đại học, sau đại học; là trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự và tội phạm học, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học pháp lý của đất nước, quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Triết lý giáo dục của Khoa Luật Hình sự là “Vững vàng kiến thức – Phụng sự công lý”. Mục tiêu của Khoa Luật Hình sự hướng đến việc đào tạo ra những sinh viên có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực làm việc tại các cơ quan, tổ chức như Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Công ty luật, Văn phòng Luật sư,... Các thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự do Khoa đào tạo ngoài kiến thức và kỹ năng thực thi pháp luật còn có khả năng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Để thực hiện thành công triết lý giáo dục và đạt được những mục tiêu trên, Khoa Luật Hình sự luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Giảng viên không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Khoa đã biên soạn các giáo trình như: Giáo trình Luật Hình sự (Phần Chung), Giáo trình Luật Hình sự (Phần Các tội phạm), Giáo trình Luật Tố tụng Hình sự, Giáo trình Tội phạm học, Giáo trình Tâm lý tư pháp. Ngoài ra, để phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, Khoa cũng đã biên soạn nhiều tài liệu bao gồm: Tài liệu học tập môn Luật Hình sự, Hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng luật hình sự, Tài liệu học tập môn Luật Tố tụng hình sự,... Giảng viên của Khoa đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ; công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao,…Nhiều giảng viên của Khoa Luật Hình sự có tham gia vào các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia Đoàn Hội thẩm của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường kiến thức thực tiễn phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

Khoa Luật Hình sự không chỉ thu hút sinh viên bởi các môn học sinh động, lý thú mà còn có đội ngũ giảng viên vững về chuyên môn, đầy tâm huyết với nghề và nhiệt tình giúp đỡ sinh viên trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học. Những sinh viên của Khoa, sau khi tốt nghiệp ra trường đã phát huy được năng lực nghề nghiệp của mình trong công tác ở các cơ quan tư pháp cũng như các cơ quan, đơn vị khác và đều được các cơ quan sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực chuyên môn, tư cách đạo đức. Họ đang từng bước trưởng thành trong nghề nghiệp. Đây chính là niềm vinh hạnh và nguồn động viên lớn cho Khoa Luật Hình sự.

Giới thiệu về các Tổ Bộ môn của Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM

  • Bộ môn Luật Hình sự:

+ Về hoạt động giảng dạy:

Bộ môn Luật Hình sự chịu trách nhiệm giảng dạy các học phần sau đây:

Luật hình sự Phần chung:Môn học này trang bị cho sinh viên hệ thống lý luận cơ bản về Luật Hình sự như Khái niệm Luật hình sự; Hiệu lực của Bộ luật hình sự; Tội phạm và cấu thành tội phạm; Các chế định liên quan đến việc xác định tội phạm; Hình phạt và quyết định hình phạt; Các biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự, v.v… Trên cơ sở đó sinh viên có thể tự giải quyết những yêu cầu cụ thể được đặt ra trong thực tiễn như: nhận diện tội phạm trong những vụ việc cụ thể; xác định giai đoạn phạm tội, vai trò đồng phạm trong các vụ án, xác định rõ những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, xác định khung hình phạt, tổng hợp hình phạt, xác định giới hạn hình phạt cho phép áp dụng trong các tình huống cụ thể, bình luận về phần hình phạt đối với các bản án hình sự đã tuyên của Tòa án.

Luật hình sự Phần các tội phạmMôn học này giúp sinh viên hiểu rõ chính sách hình sự của nhà nước; trang bị cho sinh viên phương pháp tiếp cận và làm chủ hệ thống kiến thức về các nhóm tội phạm và dấu hiệu pháp lý của các tội phạm cụ thể để vận dụng một cách có hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp; bước đầu rèn luyện cho sinh viên kỹ năng định tội và quyết định hình phạt.

Lý luận định tội:Môn học này hệ thống hoá những vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm, từ đó hướng dẫn sinh viên rèn luyện kỹ năng định tội dựa trên các bài tập hồ sơ vụ án hoặc tình huống do giảng viên của Bộ môn biên tập lại từ các vụ án có thật.

Tâm thần học tư pháp:Môn học này trang bị về kiến thức tâm thần cho sinh viên, để chuẩn bị kiến thức cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến người mắc bệnh tâm thần. Hiểu biết về các hoạt động giám định tâm thần cũng là kiến thức cần thiết để cán bộ ngành tư pháp đánh giá giá trị chứng minh của kết luận giám định tâm thần.

Giám định pháp y:Môn học này trang bị kiến thức cần thiết về y khoa để có cơ sở cho việc đánh giá giá trị chứng minh của các kết luận giám định pháp y trong một vụ án hình sự nhằm giải quyết đúng vụ án.

Luật hình sự so sánh (Comparative Criminal Law):Môn học này được giảng dạy bằng Tiếng Anh sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về so sánh luật hình sự, so sánh các chế định cơ bản của Luật hình sự Việt Nam với pháp luật hình sự một số nước.

+ Về hoạt động nghiên cứu khoa học:

Bộ môn Luật hình sự đã biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập các học phần do Bộ môn phụ trách như:

  • Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, TS Trần Thị Quang Vinh (chủ biên) (2018), Giáo trình Luật hình sự Phần chung, NXB Hồng Đức;
  • Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, TS Trần Thị Quang Vinh (chủ biên) (2021), Giáo trình Luật hình sự Phần các tội phạm, NXB Hồng Đức;
  • PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Chủ biên) (2016), Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, NXB Hồng Đức – Hội luật gia;
  • PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, TS. Phan Anh Tuấn (Đồng chủ biên) (2017), Bình luận khoa học những điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Hồng Đức;
  • Tập thể tác giả (2018), Hướng dẫn học tập Môn Luật hình sự phần chung, NXB Trẻ;
  • Tập thể tác giả (2018), Hướng dẫn học tập Môn Luật hình sự phần chung dành cho chương trình 3 - 4 tín chỉ, NXB Trẻ;
  • Tập thể tác giả (2018), Hướng dẫn học tập Môn Luật hình sự phần các tội phạm, NXB Trẻ;
  • TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, TS Phan Anh Tuấn (Đồng chủ biên) (2023), Tài liệu học tập môn Luật hình sự, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;
  • TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, TS Phan Anh Tuấn (Đồng chủ biên) (2023), Hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng Luật hình sự, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của bộ môn Luật Hình sự luôn được duy trì thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng như: thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp  Bộ và cấp trường; tổ chức các buổi hội thảo và buổi họp chuyên môn để nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động giảng dạy; không ngừng cải tiến giáo án điện tử môn Luật Hình sự trên phần mềm Power point; hướng dẫn sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi tư duy giáo dục theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, tập thể giảng viên của bộ môn Luật Hình sự đã nỗ lực thay đổi phương pháp, nghiên cứu các phương pháp tiên tiến để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy. Phương pháp thuyết trình truyền thống được hỗ trợ bằng nhiều phương pháp mới như: yêu cầu sinh viên phải tự học dựa trên các tài liệu do giáo viên giới thiệu, làm việc theo nhóm nhỏ, giải quyết các bài tập tình huống, thảo luận theo chủ đề do giáo viên gợi ý. Trong thời gian tới, bộ môn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp tích cực trong giảng dạy để kích thích tính chủ động và sáng tạo trong sinh viên, giảm thời lượng thuyết trình để tập trung cho sinh viên thảo luận và làm việc theo nhóm, góp phần rèn luyện kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

  • Bộ môn Luật Tố tụng hình sự:

+ Về hoạt động giảng dạy:

Bộ môn Luật Tố tụng hình sự chịu trách nhiệm giảng dạy các học phần sau đây:

Luật Tố tụng hình sự:Môn học này cung cấp cho sinh viên kiến thức về: (i) Những vấn đề chung của luật tố tụng hình sự như khái niệm, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự; cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; chứng cứ và chứng minh; biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế; và (ii) Trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; và (iii) Các thủ tục tố tụng đặc biệt.

Luật Thi hành án hình sự:Môn học này cung cấp cho sinh viên kiến thức về khái niệm, nhiệm vụ và các nguyên tắc của luật thi hành án hình sự; hệ thống cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự; địa vị pháp lý của người chấp hành án và; trình tự, thủ tục thi hành một số loại hình phạt, biện pháp tư pháp.

Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên (Juvenile Criminal Justice):Môn học này được giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh, là học phần tự chọn chung của 05 khoa, học phần bắt buộc đối với sinh viên các lớp chất lượng cao. Học phần Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cung cấp cho sinh viên kiến thức về những vấn đề lý luận của tư pháp hình sự người chưa thành niên; tiêu chuẩn và quy định của Liên Hợp quốc về tư pháp dành cho trẻ em; quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thủ tục giải quyết vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi; quy định của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi.

Khoa học điều tra hình sựMôn học này cung cấp cho sinh viên kiến thức lý luận chung về khoa học điều tra hình sự; kỹ thuật hình sự; chiến thuật hình sự; phương pháp điều tra riêng đối với từng loại tội phạm.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, các giáo viên của Bộ môn thường xuyên hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng giảng dạy, trong đó chú trọng đến phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát triển năng lực của người học.

+ Về hoạt động nghiên cứu khoa học:

Bộ môn Luật Tố tụng hình sự đã biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập các học phần do Bộ môn phụ trách như:

  • Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, TS Võ Thị Kim Oanh (chủ biên) (2018), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam (tái bản có sửa đổi, bổ sung), NXB. Hồng Đức;
  • PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy (chủ biên) (2023), Sách Hướng dẫn học tập môn Luật Tố tụng hình sự (tái bản lần thứ nhất có sửa đổi, bổ sung), NXB. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các giảng viên của Bộ môn Luật Tố tụng hình sự đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường như:

  • PGS. TS Lê Huỳnh Tấn Duy (chủ nhiệm) (2017), Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi trên cơ sở khung pháp lý của Liên Hợp quốc - Đề tài đạt loại Tốt;
  • PGS. TS Lê Huỳnh Tấn Duy (chủ nhiệm) (2019), Hoà giải theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam – Đề tài đạt loại Xuất sắc;
  • Ths Đinh Văn Đoàn (chủ nhiệm) (2021), Giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam – Đề tài đạt loại Tốt;
  • Ths Lê Thị Thuỳ Dương (chủ nhiệm) (đang thực hiện), Nguyên tắc suy đoán vô tội: Nghiên cứu so sánh và kinh nghiệm cho Việt Nam;
  • Ths Vũ Thị Quyên (chủ nhiệm) (đang thực hiện), Xử lý vật chứng theo luật tố tụng hình sự Việt Nam;
  • Ths Nguyễn Phương Thảo (chủ nhiệm) (đang thực hiện), Định giá tài sản theo luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Bên cạnh đó, các giảng viên của Bộ môn Luật Tố tụng hình sự đã công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; xuất bản một số sách chuyên khảo phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo ở các cấp bậc; hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp khoa, cấp trường, cấp thành và cấp Bộ;…

  • Bộ môn Tội phạm học:

+ Về hoạt động giảng dạy:

Bộ môn Tội phạm học chịu trách nhiệm giảng dạy các học phần sau đây:

Tội phạm học:Môn học này trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản liên quan đến tình hình tội phạm, nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm, nghiên cứu nhân thân người phạm tội để từ đó tiến hành dự báo và phòng ngừa tội phạm.

Victimology:Môn học này trang bị cho sinh viên ở mức độ tổng quát  các vấn đề liên quan đến các nạn nhân của tội phạm (Crime victims), sự cần thiết của việc nghiên cứu khía cạnh, vai trò của nạn nhân trong nguyên nhân và điều kiện của tội phạm cụ thể, từ đó xác định được vai trò, ý nghĩa của việc nghiên cứu nạn nhân trong hoạt động phòng ngừa tội phạm.

Đấu tranh phòng chống một số tội phạm:Môn học này trang bị cho sinh viên kiến thức về phòng chống tội phạm ở tất cả các phương diện xã hội, pháp lý. Người học có thể ứng dụng kiến thức của các môn học này để chức họat động phòng ngừa tội phạm tại địa phương, cộng đồng nhằm giảm bớt tội phạm trong xã hội.

Tâm lý học tư pháp:Môn học này trang bị cho sinh viên kiến thức về tâm lý của các hoạt động như hoạt động điều tra, hoạt động xét xử, hoạt động bào chữa, hoạt động xét xử, hoạt động cảo tạo giáo dục người phạm tội; ngoài ra môn học cũng trang bị cho sinh viên những đặc điểm tâm lý  tâm lý của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong các họat động điều tra, xét xử, cải tạo như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, người bào chữa, bị can, bị cáo, người phạm tội, người làm chứng, người bị hại. Người học có thể ứng dụng kiến thức của môn học này để giải quyết vụ án hình sự, giáo dục cải tạo người phạm tội và hành nghề bào chữa.

Lý luận về phòng ngừa tội phạm: Môn học trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về phòng ngừa tội phạm như các biện pháp phòng ngừa tội phạm, đánh giá hiệu quả của phòng ngừa tội phạm, các học thuyết tiến bộ về phòng ngừa tội phạm trên thế giới để từ đó học viên tham khảo và có khả năng xây dựng các biện pháp phòng ngừa tội phạm tại Việt Nam.

Lý luận về tội phạm ẩn: Môn học trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về Tội phạm ẩn như nhận diện, phân loại tội phạm ẩn trong thực tế, các phương pháp xác định độ ẩn của tội phạm, dự báo tình hình tội phạm ẩn trong tương lai đối với một số tội phạm phổ biến và nguy hiểm nhất và các biện pháp phòng ngừa tội phạm ẩn.

Nạn nhân học:Môn học này trang bị cho sinh viên những vấn đề lý luận và pháp lý về nạn nhân, đặc điểm và các loại nạn nhân của tội phạm, vị trí vai trò của nạn nhân trong phòng ngừa tội phạm, trong chính sách hình sự và hệ thống tư pháp, vấn đề về bồi thường, trợ giúp cho nạn nhân… Đối với người học, Nạn nhân học cũng giúp cho người học những kiến thức chuyên sâu về nạn nhân của tội phạm ở góc độ phòng ngừa tội phạm và chính sách hình sự, hệ thống tư pháp có liên quan đến nạn nhân, từ đó người học có thể hiểu biết sâu sắc và vận dụng pháp luật để phòng ngừa tội phạm từ phía nạn nhân của tội phạm cũng như giải quyết vụ án hình sự và bảo vệ nạn nhân.

Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam: Môn học này trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về Tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam trong giai đoạn trước đây và hiện nay, xác định nguyên nhân và điều kiện của nhóm tội phạm này, nghiên cứu nhân thân người phạm tội, dự báo các tội phạm về tham nhũng trong thời gian sắp tới và xây dựng các biện pháp phòng ngừa nhóm tội phạm tham nhũng.

Phòng ngừa các tội phạm về ma túy ở Việt Nam: Môn học này trang bị cho học viên những kiến thức chuyên sâu về Tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam, nguyên nhân và điều kiện của nhóm tội, nghiên cứu nhân thân người phạm tội, dự báo các tội về ma túy trong thời gian sắp tới và xây dựng các biện pháp phòng ngừa nhóm tội ma túy.

+ Về hoạt động nghiên cứu khoa học:

Bộ môn Tội phạm học đã biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập các học phần do Bộ môn phụ trách như:

  • Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, TS Võ Thị Kim Oanh, TS Lê Nguyên Thanh (Đồng chủ biên) (2013), Giáo trình Tội phạm học, NXB Hồng Đức (hiện đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung);
  • TS Lê Nguyên Thanh (chủ biên) (2016), Sách hướng dẫn học tập Tâm lý học Tư pháp, NXB Đại học Quốc gia.

Ngoài ra, Bộ môn đã được nghiệm thu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, điển hình như:

  • TS Lê Nguyên Thanh (chủ nhiệm đề tài) (2004), Đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm tình dục người chưa thành niên tại các tỉnh phía nam Việt Nam;
  • TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (chủ nhiệm đề tài) (2012), Bảo vệ quyền của nạn nhân các tội xâm phạm tình dục trẻ em dưới góc độ quyền con người;
  • Ths Lê Thị Anh Nga (chủ nhiệm đề tài) (2022), Nguyên nhân và điều kiện các tội xâm phạm tình dục trẻ em từ góc độ nạn nhân của tội phạm
  • TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (chủ biên) (2016), Phòng ngừa một số tội phạm về ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay các giảng viên trong tổ bộ môn vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục viết các sách chuyên khảo khác phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

-     Các giảng viên trong tổ bộ môn có nhiều bài viết nghiên cứu trên các tạp chí uy tín như Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí luật học, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát…

-     Tổ bộ môn đã hướng dẫn nhiều học viên cao học, sinh viên hoàn thành luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp, hướng dẫn thành công nhiều đề tài NCKH sinh viên đạt kết quả tốt, đạt giải thưởng cấp khoa, cấp trường và dự thi cấp thành phố.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Bộ môn không ngừng hoàn thiện nội dung môn học nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng chống tội phạm, đồng thời chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giúp sinh viên tự nghiên cứu có sự giúp đỡ của giảng viên; cung cấp cho sinh viên hệ thống các câu hỏi gợi ý nghiên cứu, câu hỏi ôn tập môn học đồng thời giới thiệu các tài liệu học tập khác có liên quan đến môn học. Trong tương lai, Bộ môn sẽ tập trung hơn cho việc viết sách và tài liệu tham khảo cho các môn học nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập của sinh viên./.