Hội thảo cấp Khoa "Phòng ngừa, xử lý các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người"

KHOA LUẬT HÌNH SỰ TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM TỔ CHỨC HỘI THẢO CẤP KHOA “PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ CÁC TỘI PHẠM XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI”
-------------------------
Sáng ngày 29/03/2023, Khoa Luật Hình sự trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa với chủ đề “Phòng ngừa, xử lý các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người” tại cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hình sự và có sự tham gia của PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng khoa; TS. Võ Thị Kim Oanh - Nguyên Trưởng khoa cùng toàn thể các giảng viên của khoa, các chuyên gia, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.
Nội dung Hội thảo xoay quanh 02 vấn đề chính: (1) Phòng ngừa tội phạm và (2) Công tác xử lý tội phạm và Tố tụng Hình sự. Có tổng cộng 13 bài viết khoa học từ các Tiến sĩ, Thạc sĩ Luật giàu kinh nghiệm và một số học viên cao học, nghiên cứu sinh khác đã được gửi đến để đóng góp xây dựng nội dung Hội thảo.
Tại phiên thảo luận thứ nhất, Hội thảo đã tiến hành trao đổi và nhận xét đối với các đề tài phòng ngừa tội phạm sau đây: (1) Những khó khăn trong hoạt động phòng ngừa các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người tại Việt Nam và một số kiến nghị của TS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh; (2) Nguyên nhân và điều kiện của tội giết người của nhóm tác giả Phạm Anh Quân, Lại Anh Khoa và Trần Ánh Tuyết; (3) Nguyên nhân và điều kiện của tội giết người và tội cố ý gây thương tích của TS. Lê Nguyên Thanh; (4) Khía cạnh nạn nhân trong nguyên nhân và điều kiện của tội giết người và tội cố ý gây thương tích của nhóm tác giả ThS. Lê Thị Anh Nga, Lê Hà Giang; (5) Phòng ngừa các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người nhìn từ hoạt động của Tòa án Nhân dân của ThS. Phạm Thị Tuyết Mai.

Tiếp tục phiên làm việc thứ hai, các vấn đề được thảo luận gồm: (1) Bàn về hành vi gây thiệt hại tính mạng, sức khoẻ trong khi bắt giữ người phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam của ThS. Trần Ngọc Lan Trang; (2) Một số vấn đề về định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của BLHS 2015 của TS. Nguyễn Ánh Hồng; (3) Bàn về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam của ThS. Phan Thị Phương Hiền; (4) Vấn đề bồi thường cho nạn nhân của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe: Kinh nghiệm của một số quốc gia của ThS. Đinh Hà Minh; (5) Một số dấu hiệu pháp lý trong án lệ 47/2021/AL của NCS. Lê Vũ Huy; (6) Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ trong Bộ luật hình sự năm 2015 của tác giả Lê Bá Đức; (7) Giám định trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người theo luật tố tụng hình sự Việt Nam của ThS. Trần Quốc Minh; và Phân tích giá trị lời khai (statement validity assessment) trong giải quyết các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người của PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy.

Trao đổi tại buổi thảo luận, TS. Võ Thị Kim Oanh - Nguyên Trưởng khoa Luật Hình sự cho biết các công trình nghiên cứu không nên chỉ dừng lại ở việc lý giải các nguyên nhân mà còn phải đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp và triệt để. Đồng thời, các đề xuất về giải pháp ngăn ngừa tội phạm phải gắn liền với bối cảnh thực tế tại Việt Nam hiện nay và có tính áp dụng cao đối với toàn xã hội.

Về các cách thức xử lý cũng như vấn đề về thủ tục tố tụng hình sự, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện một số hạn chế, vướng mắc trong quy định về dấu hiệu định tội theo Điều 132 Bộ Luật Hình sự năm 2015 đối với nhóm tội phạm này.
Sau quá trình làm việc và trao đổi tích cực, Hội thảo đã ghi nhận được nhiều quan điểm khoa học có tính đóng góp cao. Đây là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự có thể trao đổi các vấn đề cấp thiết trong bối cảnh tỷ lệ tội phạm tại nước ta đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
-------------------------
Nội dung: Quỳnh Như, Thiên Bảo
Hình ảnh: Kim Ngân
Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top